Sáng ngày 5 tháng 10 năm 2022 trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam tổ chức Lễ phát động Tuần lễ học tập suốt đời bắt đầu từ 01/10/2022 – 07/10/2022. Chủ đề của tuần lễ năm 2022: “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID -19”. Đến dự có Thầy giáo Võ Đăng Chín, bí thư chi bộ, hiệu trưởng; thầy Trần Văn Thắng PHT, Cô Trương Thị Liên, Chủ tich Công đoàn cùng tất cả các thầy cô giáo và học sinh toàn trường.
“Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời” năm 2022 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ cho học tập suốt đời sau đại dịch COVID -19.” nhằm mục đích tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng các nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19.
Học tập là công việc gắn bó với con người từ bao đời nay. Có thể nói, không một bước phát triển nào của văn minh nhân loại mà không gắn với việc học. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, cách thức của việc học tập ở mỗi thời đại, mỗi xã hội cũng có những chỗ khác nhau. Đã xa rồi lối suy nghĩ học tập chỉ dành cho người trẻ tuổi, chỉ cần học lấy bằng cấp, học một cách thụ động… Ngày hôm nay chúng ta tổ chức buổi lễ này là để cùng nhắc nhở nhau tiếp tục gây dựng một phong trào học tập rộng khắp, thường trực và lâu dài, học có phương pháp, học tập cho mọi đối tượng.
Hiếu học, ngày xưa được xem như một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Việc học ngày nay không chỉ thể hiện truyền thống hiếu học tốt đẹp đó mà còn được xem như một trong những nhu cầu cơ bản tất yếu của đời sống, là cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân phát huy tốt nhất năng lực bản thân, sống hạnh phúc hơn và thăng tiến hơn.
Học tập không phải là việc ngày một, ngày hai mà là việc suốt đời, không chỉ là việc của một hay hai người mà là của tất cả mọi người, không chỉ học ở trường học mà là học ở tất cả mọi nơi.
Chúng ta khi mới lên, học đọc, học viết, học tính toán… là nhờ thầy, cô giáo hướng dẫn là chính. Nhưng khi học các kiến thức cao hơn, rộng hơn, chuyên ngành hơn, lúc ấy ta phải tự đọc thêm sách, tra cứu nhiều nguồn kiến thức khác nhau, nên sách là thầy, là người hướng dẫn ta đến tri thức của nhân loại. Khi ta đọc truyện cười ta thấy vui, đọc những câu chuyện “Hạt giống tâm hồn” ta thấy xúc động, đọc đến các mảnh đời bất hạnh ta thấy xót xa… Khi ấy sách là bạn cùng ta chia sẻ các cảm xúc của cuộc sống. Ta đọc một cuốn sách hay và muốn đem chia sẻ với mọi người. Khi ta mua được cuốn sách quý và muốn lưu lại cho con cháu, lúc ấy sách là tài sản. Sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Ngoài việc học ở ngoài đời, thực tế, từ mọi người xung quanh, sách là người bạn không thể thiếu của con người. Nó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có cảm giác như mình đang được dẫn vào thế giới thực, từ đó bạn thấy, hiểu và bắt gặp nhiều điều bổ ích
Đối với các bạn nhỏ, Đến với những trang mạng lành mạnh, các em sẽ nghe và thấy thế giới xung quanh chúng ta vô cùng phong phú, đa dạng. Các em sẽ học được những bài học bổ ích về cách giao tiếp ứng xử, mối quan hệ bạn bè lành mạnh, tình thầy trò thân thiện, mối quan hệ xã hội tốt đẹp. Hơn nữa đọc sách trên mạng các em sẽ biết thêm nhiều kiến thức bổ ích mà bản thân ta chưa có cơ hội để tiếp xúc. Các em sẽ được nâng cao kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy, rèn luyện thêm về trí tuệ của bản thân để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội ngày nay.
Hơn nữa, việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người. Cho dù là đọc sách in (sách giấy) hay sách điện tử, thì mỗi người đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
Nhìn từ khía cạnh tích cực, văn hóa đọc là một trong những động lực thúc đẩy sự hình thành nên con người mới, những công dân có hiểu biết, có trí tuệ để có thể thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại - xã hội dựa trên nền tảng của nền kinh tế tri thức. Đồng thời, góp phần định hướng đọc cho người dân, tùy thuộc vào trình độ dân trí, nghề nghiệp và điều kiện sống, có thể tiếp cận được với thông tin, tri thức phù hợp, hữu ích nhất cho cuộc sống. Học tập suốt đời là một vấn đề mang ý nghĩa. Bởi học tập được xem đó là nền tảng cho mọi sự thành công trong cuộc sống. Và đặc biệt trong hôm nay đất nước ta đang trên đà Công nghiệp hóa, hiện đại hóa vậy nên bản thân mỗi chúng ta cần “ học, học nữa, học mãi”