Chi tiết tin

Đổi mới tiết Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp ở trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Đổi mới tiết Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp ở trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Tiết Sinh hoạt dưới cờ và Sinh hoạt lớp (SHDC và SHL) ở trường Tiểu học và THCS là tiết Giáo dục tập thể được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Trong những năm gần đây, tiết SHDC và SHL đã được các cơ sở giáo dục có lớp TH&THCS (gọi chung là trường TH&THCS) trong trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam cải tiến đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm thu hút học sinh tham gia tích cực. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn giờ học chỉ nhằm đánh giá học sinh như phê bình các em chưa ngoan, chưa cố gắng, nhắc nhở chung chung những lớp chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao và thông báo kế hoạch của nhà trường một cách khô khan. Thời gian dành cho học sinh thực hiện các chủ đề học tập hoặc nội dung trải nghiệm, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao,... gần như không có. Vì thế chưa thực sự tạo ra sân chơi bổ ích, thiếu sự đối thoại giữa học sinh và nhà trường, học sinh chủ yếu là tiếp nhận thông tin một cách thụ động, việc hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cho học sinh theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT là rất hạn chế. Do đó, giờ SHDC và SHL trở thành một tiết học nặng nề, nhàm chán, ít hứng thú đối với học sinh.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên làm quen với tổ chức hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Trên cơ sở đó, ở trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam đã triển khai thực hiện đổi mới 2 tiết học này một cách chủ động, linh hoạt và đã mang lại nhiều cảm xúc, ý nghĩa cho giáo viên, học sinh trong nhà trường.

Đổi mới tiết Sinh hoạt dưới cờ theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Trước hết chào cờ đối với giáo viên và học sinh là một hoạt động có ý nghĩa cao đẹp. Đây là một nghi thức trang trọng thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc và sự biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã hi sinh xương máu để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngoài nghi thức chào cờ, mỗi tiết SHDC còn có các hoạt động giáo dục nhằm hình thành cho học sinh các thói quen tích cực trong cuộc sống hằng ngày như chăm chỉ lao động; thực hiện trách nhiệm của người học sinh ở nhà, ở trường và địa phương; biết tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức hợp tác nhóm; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Thời gian thực hiện mỗi tuần 1 tiết vào thứ hai hàng tuần với thời lượng 45 phút. Đối tượng tham gia bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Quy mô tổ chức toàn trường.

Nội dung và hình thức thực hiện linh hoạt, phù hợp với mỗi chủ đề chủ điểm do nhà trường lựa chọn nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu:

Về nội dung: Tổ chức tiết SHDC theo chủ đề, chủ điểm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường thông qua các hoạt động khám phá bản thân, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình, các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh... Mỗi tiết SHDC, sau nghi lễ chào cờ theo quy định, Liên đội nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp được phân công thực hiện chủ điểm tuần lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống; mời các nhân chứng lịch sử tham gia nói chuyện theo chủ đề, chủ điểm hay giới thiệu sách mới cho các em học sinh. Nội dung bám sát các vấn đề mang tính thời sự, thực tiễn xã hội được học sinh quan tâm.

Về hình thức: Tổ chức một cách linh hoạt các hoạt động như văn nghệ, biểu diễn tiểu phẩm, trò chơi dân gian, diễn thuyết, thể dục thể thao, hoạt động Đội… Để đạt được mục tiêu phát triển năng lực học sinh, nhà trường cần tạo mọi điều kiện và khuyến khích tối đa học sinh tham gia từ khâu xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện đến việc triển khai thực hiện, đánh giá kết quả và bày tỏ quan điểm của mình trong các hoạt động, giáo viên chỉ gợi mở vấn đề hoặc chia sẻ khi cần thiết.

Để triển khai được hiệu quả tiết SHDC, TPT, GVCN cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu:

Một là, xây dựng chương trình tổng thể, kế hoạch hoạt động của tiết SHDC theo các chủ đề, chủ điểm cho cả năm học.

Hai là, mỗi tiết SHDC hiệu trưởng cần phân công lớp học sinh, giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm chuẩn bị và tổ chức thực hiện trên tinh thần lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh trong giải quyết vấn đề, tránh việc cán bộ, giáo viên làm thay, làm hộ học sinh.

Ba là, hiệu trưởng chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch tổ chức tiết SHDC đảm bảo yêu cầu về nội dung, hình thức theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Đổi mới tiết Sinh hoạt lớp theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Tiết SHL là tiết học ở đó học sinh tiến hành hoạt động giáo dục, tự giáo dục và xây dựng tập thể lớp dưới sự cố vấn, hướng dẫn và chỉ đạo của giáo viên chủ nhiệm. Thông qua đó nhằm khơi dậy ở học sinh tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác, trách nhiệm đối với bản thân, đối với tập thể và cộng đồng; hình thành, củng cố và phát triển ở học sinh kỹ năng hoạt động độc lập, tự chủ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ tập thể lớp và ngoài xã hội; xây dựng lớp thành một tập thể tự quản, có nền nếp, đoàn kết, gắn bó sống có trách nhiệm cùng nhau, phát huy được vai trò nòng cốt, tính tiên phong của tổ chức Đội trong các hoạt động tập thể.

Thời gian thực hiện mỗi tuần 1 tiết vào thứ sáu hàng tuần với thời lượng 35-45 phút. Đối tượng tham gia là tất cả học sinh mỗi lớp và giáo viên chủ nhiệm. Quy mô tổ chức theo lớp hoặc nhóm các lớp.

Nội dung và hình thức thực hiện linh hoạt, phù hợp với chủ đề, chủ điểm do nhà trường và giáo viên lựa chọn nhưng đảm bảo được các yêu cầu sau:

Tiết SHL cần thực hiện bám sát theo nội dung chủ đề, chủ điểm trong kế hoạch giáo dục năm học của nhà trường, đồng thời tích hợp giải quyết các yêu cầu do chính đời sống học tập và rèn luyện của học sinh đặt ra. Tiết SHL đảm bảo phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phù hợp với lứa tuổi học sinh TH&THCS. Các nội dung bao gồm về giáo dục đạo đức, giáo dục trí tuệ, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể chất, giáo dục lao động, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục môi trường, giáo dục phòng chống ma túy, HIV/AIDS và tệ nạn xã hội,... Thông qua nhiều hình thức tổ chức như trò chơi dân gian, văn nghệ, đố vui để học, thể dục thể thao, hùng biện, trang trí lớp học, làm báo tường, tổ chức sinh nhật, tổ chức ngày hội (trung thu, hóa trang, trao đổi đồ dùng, đồ chơi, sách truyện,...), hoạt động khéo tay hay làm, hoạt động giao lưu (giao lưu kết nghĩa giữa các lớp với nhau).

Khi tổ chức tiết SHL đảm bảo nguyên tắc học sinh tự quản toàn diện, tiết SHL là của học sinh, do học sinh thực hiện vì những lợi ích của mỗi học sinh và của cả tập thể lớp. Giáo viên chủ nhiệm cần linh hoạt vai trò chủ đạo của mình trong suốt quá trình hướng dẫn học sinh chuẩn bị, triển khai, đánh giá kết quả,... bằng cách gợi mở, khơi dậy tiềm năng, tiềm lực, kết nối giữa các học sinh, động viên và khuyến khích học sinh thực hiện một cách tự tin và chủ động.

Để triển khai được hiệu quả tiết SHL, các lớp cần chủ động, linh hoạt trong triển khai thực hiện tránh dập khôn máy móc, đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu:

Một là, xây dựng nội dung tiết SHL bảo đảm tính thống nhất về chủ điểm của từng khối lớp theo nội dung kế hoạch giáo dục của nhà trường, đồng thời khơi dậy tính sáng tạo, chủ động của mỗi tập thể lớp.

Hai là, căn cứ vào các chủ đề, chủ điểm hoạt động trong tuần, tháng và năm học của nhà trường để giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch (giáo án) tiết SHL. Khi tổ chức tiết SHL, giáo viên cần tổ chức các hoạt động hướng đến hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, tránh việc tập trung đánh giá hạn chế, yếu kém và phê bình học sinh trong tiết SHL.

Ba là, căn cứ vào quy mô và nội dung từng hoạt động, giáo viên chủ nhiệm phối hợp, liên kết với nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường tham gia hoạt động SHL như giáo viên dạy các môn chuyên biệt (Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục), Tổng phụ trách Đội, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, Hội khuyến học, Hội phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, cơ quan, doanh nghiệp, nghệ nhân, người lao động của địa phương.

Bốn là, Hiệu trưởng coi việc tổ chức kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, tổng kết đánh giá tính hiệu quả và chất lượng giáo dục của tiết SHL là nội dung quan trọng trong chỉ đạo, quản lí hoạt động giáo dục và công tác chủ nhiệm lớp.

Để tiết học SHDC và SHL thực hiện được hiệu quả và thực sự đi vào nền nếp trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam chỉ đạo cho TPT, GVCN và Ban HĐNGLL tổ chức đổi mới tiết SHDC và SHL, tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm thường xuyên từ có giải pháp kịp thời hỗ trợ các lớp nâng cao chất lượng cho mỗi giờ học. Có thể nói, năm học 2022-2023 được coi là năm bản lề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc đổi mới giờ SHDC và SHL trong trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh và có bước chuẩn bị cho giáo viên GVCN trải nghiệm, làm quen với cách tổ chức hoạt động trải nghiệm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách chủ động, hiệu quả.

 shdc1

shdc2

shdc3

 

shdc4

                                                                

Tác giả: Đăng Chín

Nguồn tin: Trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

  • Hội thi "Bé cùng trổ tài" trường MG Trà Nam

  • Nguyễn Văn Chương

  • Tập thể CBCC Phòng GD&ĐT

  • Hội diễn văn nghệ Ảnh: Trường Kim Đồng

  • Ảnh

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My
    
















Ý kiến bạn đọc

Liên kết web

BẢN QUYỀN THUỘC PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NAM TRÀ MY - QUẢNG NAM
Địa chỉ: Thôn 1 Xã Trà Mai , huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - Điện thoại: 0235.6271117 - Email: pgdntmy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)