Bà con tỉa lúa
Nhìn dòng sông Tranh chảy gợn bọt nước trắng xóa, những chồi non trên những cành cây đang nảy mầm mơn mởn, những chú chim vẫn lượn lờ bên bờ suối có nhiều hòn đá chông chênh tha hồ mà tắm mát, rỉa cánh; những chùm hoa phong lan rừng nhú lộc chuẩn bị khoe sắc màu trong ánh nắng vàng chói chang, báo hiệu một ngày mới đang về với núi rừng đại ngàn bao la; khắp các thôn nóc nhà nhà, người người ai cũng hớn hở vì đã có một cái tết cổ truyền đầm ấm và chuẩn bị bước vào mùa tỉa, bắt tay vào tăng gia sản xuất, ước mong một năm mới đời sống nhân dân ổn định, ấm no, hạnh phúc.
Cứ vào tháng 02, tháng 03 hàng năm tiết trời hanh nắng đan xen với những cơn mưa xuân muộn là bà con lại bắt đầu một mùa vụ, đi đâu cũng thấy những tiếng cười rộn ràng của các cháu bé ngộ nghĩnh nô đùa, những vườn rau cải, rau húng, rau mùi xanh mượt; những giàn cây mướp, bí đang leo dây để đơm hoa kết trái; các bà mẹ đang nhổ sắn, cạo vỏ để ngâm ủ rượu cần, những ông chồng vác về những cây lồ ô, nứa để đan lát teo, lét, gùi, rổ, rào khoanh vùng rẫy của mình; họ còn đi đánh lưới bắt cá ở sông suối về hong giàn bếp, một con gà nhỏ lông mượt nhiều màu sắc và chuẩn bị các vận dụng cần thiết để chuẩn bị cho lễ tế thần linh, cúng mùa tỉa, khai đất để tỉa lúa, bắp, bí, mướp, dưa rừng… với dụng ý khai lễ với đất trời, non sông, thần linh cầu mong mùa vụ mưa thuận, gió hòa, xua đuổi dịch bệnh, sâu hại, muôn thú phá phách mùa màng cho một ngày bội thu, xua tan đói nghèo cơ cực, gia đình ai cũng mạnh khỏe đủ sức để lao động, sản xuất.
Bà con quây quần sau giờ phút lao động mệt nhọc.
Khác với những lễ hội như đâm trâu, cúng máng nước, cúng lúa mới… cúng mùa tỉa chỉ ở mức độ nhỏ, có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, lễ vật tế thần linh chỉ là con gà, cơm lam (được nấu từ gạo nếp độn trong ống nứa nướng lửa than), hũ rượu cần là đủ khai lễ.
Các dân tộc anh em Cadong, Xê đăng, Mơ nông… từ bao đời nay vẫn đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ, họ giúp nhau đổi công phát rẫy, cuốc ruộng, tuốt lúa, làm chuồng trại… để tăng gia sản xuất, chăm sóc con vật nuôi; cuộc sống của họ cũng rất đơn giản không cầu kỳ, xa hoa chỉ là đảm bảo gạo đầy gùi ở nhà ruộng, bữa cơm có muối, rau (nào là rau ranh, rau lủi, rau dớn, rau tàu bay…); những ngày hội lớn của làng nóc họ lại quây quần bên nhau bên bếp lửa hồng uống rượu cần, nhâm nhi lai rai với những làn điệu hát ru, điệu ting ting, tiếng gõ nhịp cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng.
Đây cũng là dịp để những người già trao đổi kinh nghiệm cho nhau trong cuộc sống, trong lao động sản xuất, chọn cây giống, con vật nuôi phù hợp hơn với địa phương, có những cách làm mới cho mùa vụ sau gặt hái nhiều thành quả; những đôi nam thanh, nữ tú gặp nhau trò chuyện, hẹn ước, trao còng, giao duyên mong ước được trở thành vợ chồng, cùng nhau chia sẻ những niềm vui, khốn khó trong cuộc đời.
Những truyền thống quý báu của bà con quê hương Nam Trà My vẫn mãi được lưu truyền từ thế hệ cha, ông cho đến mai sau; con người xuất hiện từ thời kỳ nguyên thủy, phát triển dần lên các đồ đá, đồ đồng và rồi là những trang thiết bị, công cụ sản xuất hiện đại nhưng những truyền thống như đan lát, đánh bắt cá, dệt thổ cẩm, lễ cúng lúa mới, đâm trâu, cúng máng nước, cúng mùa tỉa…
Lễ hội mùa tỉa của người dân nơi đây mang đậm nét văn hóa lịch sử vẫn không bị mai một, nó được lưu giữ và gắn liền với đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa của địa phương. Chúng ta càng thấy tự hào về cuộc sống nơi đây, qua những giây phút lao động, sản xuất mệt nhọc, bộn bề của cuộc sống họ lại sum họp, quây quần ca hát, nhảy múa, thư giãn và lại bắt tay vào một ngày mới, một công việc mới.
Ngoài kia tiếng suối vẫn chảy rì rào, nước sông tranh vẫn một màu xanh thẳm, đi qua những đồng ruộng bậc thang với tiếng gõ lách cách của ống nước được tạo bằng những sợi dây chằng chịt xen kẽ là những chiếc quần áo đã cũ được giăng xung quanh ruộng, tiếng gõ lách cách đều đặn để xua những chú chim hay ăn lúa.
Hương rừng ơi! muôn đời vẫn thế, ngào ngạt hương thơm, bát ngát trời mây, hòa quyện với hương rừng là hồn thiêng sông núi, là đậm đà bản sắc các dân tộc anh em; tiếng suối reo vui, róc rách tuôn trào như tạo nên một dàn nhạc, một đại nhạc hội mang âm hưởng núi rừng Trà My, những cung bậc trầm bổng thơ mộng đang du dương hòa quyện như báo hiệu một ngày mới đang về trên quê hương.
Núi hát, suối đàn, lòng người hòa âm vẫn vang vọng tiếng hát xa bay “Về Nam Trà My, nơi có dòng sông Tranh chảy xuôi về thu bồn, qua Bắc Trà My gợi cho ta những kỷ niệm đã qua, đồng đội, đồng chí quên tháng năm dựng xây miền quê này, cuộc sống hôm nay đang vươn dậy từng ngày đổi thay”