Cùng với hành trình gieo chữ nơi rẻo cao, các cô giáo dạy ở điểm trường nóc Răng Dí (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) phát động kêu gọi thực hiện chương trình “Bữa ăn yêu thương” và “Bầu sữa yêu thương” dành cho các em nhỏ Ca Dong. Với các cô, không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi nhìn thấy học sinh của mình có áo ấm mặc mùa lạnh, có cơm ăn thật no mỗi giờ lên lớp. Và đặc biệt, sau mỗi buổi học chan chứa tình thương yêu ấy, các em đồng thanh nói thật to lời cảm ơn…
Bữa ăn có thịt do các cô giáo mang lại cho trẻ nghèo vùng cao
Có dịp tiếp xúc, trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Việt Thảo kể thật chi tiết về những gian khó mà học sinh của mình phải trải qua. Phụ huynh các em học sinh nơi đây đa số đi đốt rẫy làm nương, trồng lúa, sắn ở trên đồi. Nhà nào càng đông con thì càng cơ cực, đói kém. Có nhiều em học sinh ở xa điểm trường, hàng ngày phải đi qua biết bao đoạn dốc đứng mới đến được lớp học. Đó là chưa kể có một số học sinh phải cõng em đi theo để vừa học vừa trông, khi em nhỏ đói khát quá phải mút, ngậm tạm sỏi đá.
Mủi lòng trước cảnh tượng ấy, các cô giáo kêu gọi các nhà hảo tâm cùng đồng hành với bữa ăn có thịt, cá cho học sinh. Nói đến điều này, cô Thảo chia sẻ: “Năm đó, Hội từ thiện Ong Vàng lên đây làm ống dẫn nguồn nước sạch về trường, thấy các con đói quá, họ nấu một bữa cơm có thịt. Đó là lần đầu tiên tôi thấy các con mừng rơn vì được ăn ngon và từ đó, tôi cùng các cô ở đây muốn nấu nhiều bữa ăn như thế nữa!”. Cùng sự đồng hành của các hội nhóm từ thiện, gia đình và bạn bè, các cô giáo ở điểm trường nóc Răng Dí bắt tay thực hiện “Bữa ăn yêu thương” từ tháng 9-2015. Tiếp theo đó là chương trình “Bầu sữa yêu thương” từ tháng 10-2016, dành cho các em nhỏ sơ sinh mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng.
Vậy là, cứ đều đặn cuối tuần, các cô lại mang gạo lên trường, còn số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ dùng vào việc mua nguyên liệu nấu thức ăn, mua sữa lon. Sau đó, cả cô và trò cùng “cõng” sữa, thức ăn lên rẻo cao. Để có những bát cơm, tô cháo ngon và bổ dưỡng cho các học sinh, cô giáo phải dậy từ 4 giờ nhóm bếp, vo gạo và nấu thức ăn. Ca dạy buổi sáng kết thúc, các cô lại hâm nóng thức ăn rồi dọn ra trước lớp học. Còn với các em từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi, các cô canh giờ cho bú bình sữa xen kẽ từ sáng đến trưa. Cô Nguyễn Thị Như Hảo, giáo viên dạy cấp mầm non, cho biết: “Có tuần chúng tôi không về quê, hết gạo nấu thì liên lạc điểm trường xã xin nấu cho các em. Bằng cách nào chúng tôi cũng cố gắng hết sức để duy trì những bữa ăn và bầu sữa yêu thương này. Không thể để các em học chữ trong cơn đói đến thoi thóp”.
Nhờ bữa ăn yêu thương và những bầu sữa đầy đủ chất dinh dưỡng, hàng chục em nhỏ trên nóc Răng Dí đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng. Rất nhiều phụ huynh thấy được sự tận tụy và tình yêu thương của các cô, họ đã động viên, đưa con em mình đến lớp học. Đây cũng chính là niềm mong mỏi lớn nhất của các cô giáo: luôn mong học trò no ấm, chân cứng đá mềm bước tiếp với hành trình tìm kiếm con chữ lắm gian nan, nhọc nhằn phía trước.