Mặc dù có địa hình phức tạp, sông suối cách trở, dân cư sống rải rác, nhưng đến nay Nam Trà My gần như đã xây dựng tương đối đủ các điểm trường trong từng thôn, nóc. Ông Võ Đăng Thuận - Quyền Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết, ở trung tâm huyện và các xã có giao thông thuận lợi, các trường học đều được xây dựng kiên cố, còn các điểm trường ở những thôn, nóc xa xôi cách trở, đi lại khó khăn cũng được làm bằng vách gỗ lợp tôn thay thế cho tranh tre nứa lá. Cũng theo ông Thuận, năm học này, huyện Nam Trà My có những đầu tư rất lớn về xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục như xây dựng Trường Tiểu học xã Trà Cang, Trường Tiểu học xã Ngọc Linh, Trường Tiểu học xã Trà Vân, Trường Mẫu giáo Họa My (xã Trà Vân), Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Trà Mai)… Bên cạnh đó, các trường còn được xây dựng khu bán trú, khu nhà ở cho giáo viên một cách khang trang, vững chắc. Ngoài ra, một số trường khác cũng được xây mới, xây thêm phòng học như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Trà Vinh, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập… “Một điều đáng lưu ý, là chúng tôi luôn ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục cho các xã vùng xa và an toàn khu của huyện” - ông Thuận chia sẻ thêm.
Để có được kết quả khả quan đó, bên cạnh thực hiện tốt các chủ trương chính sách về phát triển giáo dục, Phòng GD&ĐT huyện còn tích cực kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2016, thông qua hình thức này, các tổ chức, cá nhân đã xây dựng được 8 điểm trường thôn (chủ yếu ở xã Trà Tập, Trà Nam và Trà Vân); 1 nhà ăn; 1 khu sinh hoạt nội trú; 8 bộ bếp gas cho các trường có học sinh bán trú… với tổng số tiền khoảng 4 tỷ đồng. Đầu năm 2017, Phòng GD&ĐT huyện cũng đã có biên bản cam kết ghi nhớ với một số tổ chức về việc hỗ trợ xây dựng phòng học ở xã Trà Cang.
Việc tăng cường xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, nhất là “lấp trống” các điểm trường có ý nghĩa rất lớn trong việc dạy và học, mà lợi ích trước mắt là giảm mạnh tình trạng học sinh bỏ học. Ông Thuận lý giải: “Ở vùng cao Nam Trà My, hầu hết học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc đi học của các em gần không được quan tâm lắm. Bây giờ trường lớp khang trang, đặc biệt là các khu nội trú, bán trú với chỗ ở, ăn uống đầy đủ nên họ đã yên tâm để con em của mình ở lại học”. Thống kê từ Phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho thấy, sau Tết Nguyên đán có hơn 95% học sinh trở lại trường lớp. Đó là một kết quả ấn tượng, khi mà những năm trước, những người làm công tác giáo dục ở đây luôn đau đầu trước tình trạng học sinh bỏ học. Thầy Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Mai cho biết, trong số 209 học sinh của trường, có 164 em là người đồng bào dân tộc thiểu số và hiện có 106 em ở bán trú. Khi ở bán trú, các em được trang bị những thứ cần thiết cho việc học cũng như sinh hoạt hàng ngày, vì thế tình trạng học sinh bỏ học giảm hẳn.
Theo chương tình kiên cố hóa trường học, đến giai đoạn 2020 - 2035, huyện Nam Trà My sẽ kiên cố hóa từ 40 - 45 phòng học ở các điểm trường thôn. Còn hiện tại, bên cạnh việc “lấp trống” điểm trường, ngành giáo dục còn kêu gọi sự đóng góp về hỗ trợ việc học các em như quần áo, dép, sách vở, sữa… “Vì chỉ khi được hỗ trợ đầy đủ mọi mặt, phụ huynh và các em mới yên tâm học tập và như thế, chất lượng giáo dục mới được nâng cao một cách bền vững” - ông Thuận nói.