Còn nhớ vào những năm 80 của thế kỷ trước quế Trà My vang danh một thời, từng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và được khách hàng ưa chuộng vì hương thơm đặc trưng của tinh dầu quế Trà My mà không nơi nào có được, nên được mệnh danh là Cao Sơn Ngọc Quế. Hồi đó giá quế cao ngất ngưỡng, một kg quế kẹp loại 1 có giá ngang một cây vàng thẻ. Cũng chính vì lẽ đó mà rừng quế Trà My bát ngàn thưở nào đã bị thương lái vào tận các làng nóc săn lùng mua và khai thác triệt để cả cây quế cổ thụ, dẫn đến tan hoang, cạn kiệt nguồn giống quế địa phương .
Thêm vào đó, giống quế lai tạo được trồng tràn lan, làm cho quế Trà My giảm chất lượng mất thương hiệu. Người dân không còn mặn mà trồng quế vì giá quá rẻ nên đã chặt phá. Rừng không còn mùi hương quế nửa.
Là người con xứ Cao Sơn Ngọc Quế sao không khỏi xót xa. Năm 2003 khi tái lập huyện Nam Trà My , với cương vị Bí thư Huyện ủy, ông đã cùng bàn bạc với tập thể lãnh đạo tìm cách khôi phục lại rừng quế mang gen gốc Trà My. Nói là làm, nghị quyết về phát triển kinh tế Nam Trà My lúc này, cây quế được đưa lên hàng đầu với nhiều chính sách ưu đãi, vận động khuyến khích người dân trồng lại quế. Kiên quyết không mua hạt từ ngoài đưa vào ươm trồng, ông đến từng xã, từng thôn và đến với những già làng người có nhiều kinh nghiêm trồng quế và có nhiều cây quế to lâu năm, vận động giữ lại cây quế cổ thụ lấy hạt làm giống, bảo tồn nguồn gen gốc quế Trà My. Huyện không lập vườn ươm mà khuyến khích bà con lấy hạt giống quế cổ thụ trong vườn nhà tự ươm trồng càng nhiều càng tốt, rồi bán lại cây giống cho nhà nước cấp lại cho hộ khác trồng. Với cách làm này, việc trồng quế lại được người dân hưởng ứng tích cực. Từ đó Nam Trà My hàng năm có hàng trăm vườn ươm trong nhân dân đủ sức cung cấp cả triệu cây quế con cho bà con trồng trên các nương rẫy, vườn nhà. Phong trào trồng quế mạnh nhất vẫn là Trà Leng, Trà Dơn, Trà Vân, Trà Vinh ….Năm 2008 ông Đinh Mướk được điều về làm Trưởng Ban dân tộc tỉnh, trong nhiều công việc tham mưu lo cho đồng bào vùng cao của tỉnh phát triển kinh tế, ông vẫn dành nhiều cho cây quế. Kinh nghiêm từ Nam Trà My, ông đề xuất áp dụng cho các huyên Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn và được người dân đón nhận tích cực, nhờ đó rừng quế bắt đầu phục hồi phát triển lan rộng ra nhiều huyện trong tỉnh. Rừng Quảng Nam đã thơm thơm mùi hương quế trở lại .
Để tạo đầu ra cho Quế, ông lại cất công nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, vận động, mời gọi các doanh nghiệp đến Quảng Nam thu mua quế và chế tác thêm các sản phẩm từ quế để nâng cao chuổi giá trị. Bước đầu quế đã có đầu ra và có giá trở lại, người dân phấn khởi lại tích cực trồng quế, quyết làm giàu từ rừng quế nhà mình. Hiện ở Nam Trà My, có nhiều vườn quế trồng cả chục hecta trị giá cả chục tỉ đồng như ông Nguyễn Thành Tiêu , ông Nguyễn Ngọc Anh , ông Phố Hồng Phương….
Khi về hưu tưởng ông nghỉ ngơi sau 50 năm cống hiến cho Cách Mạng , nhưng cây quế, hương quế vẫn làm ông không sao dứt ra được. Ông lại đứng ra lập Hội quế Trà My, mong giúp cho người trồng quế và người tiêu thụ quế gặp nhau để rồi cùng nhau cho ra nhiều sản phẩm hơn từ quế, tạo thêm giá trị cây quế, người trồng quế sống được từ quế và làm giàu từ quế .
Khi cây sâm Ngọc Linh được chính phủ công nhận là sản phẩm Quốc gia, việc trồng sâm Ngọc linh, chế biến cac sản phẩm từ sâm để tăng chuổi giá trị, cũng cần có một tổ chức hội nghề nghiệp để thúc đẩy việc này. Thế là ông đứng ra vận động người trồng sâm, trồng quế và các doanh nghiệp mua bán chế biến các sản phẩm từ sâm và quế cùng liên kết lại tạo nên hội sâm Ngọc Linh và Quế Trà My tỉnh Quảng Nam. Công việc nhiều hơn, bận bịu suốt ngày, nhưng ông luôn cảm thấy vui: “Làm bất cứ việc gì giúp bà con vùng cao mình thoát nghèo vươn lên làm giàu từ chính tiềm năng đặc sản vốn có của quê hương như Quế, như Sâm là mình thấy vui và làm không thấy mệt”.Tấm lòng và ước mong của ông nay thành sự thật, người trồng quế, trồng sâm Ngọc linh, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ Quế, từ sâm đã vươn lên trở thành triệu phú , tỉ phú xuất hiện ngày càng nhiều trên quê hương Nam Trà My và tỉnh Quảng Nam .
Đi giữa rừng bạt ngàn Quế Trà My, đi giữa màu xanh của sâm Ngọc linh dưới tán rừng nguyên sinh tỏa hương thơm man mát hôm nay, là kết quả nổ lực cần cù của người dân và các cấp chính quyền, nhưng ai cũng bảo có một phần đóng góp rất lớn của ông Đinh Mướk - người con ưu tú của dân tộc Ka Dong luôn được mọi người kính trọng./.