|
Trường học được xây dựng khang trang ở làng tái định cư Khe Chữ. |
Nhớ lắm làng xưa
Người dân Khe Chữ già cũng như trẻ ai cũng thốt lên “Bbahách o” (tiếng Ca Dong là “nhớ lắm”) mỗi khi nhắc đến làng xưa. Trong nỗi nhớ làng, có những ám ảnh hãi hùng về cơn sạt lở núi kinh hoàng vào đêm ngày 6-11-2017, làm 4 người dân trong làng bị chết và 13 người bị thương. Gần 2 tháng sau ngày giỗ đầu của những người dân bị chết do sạt núi trong cái đêm định mệnh ấy, nỗi nhớ làng của người dân TĐC Khe Chữ hôm nay cũng sâu lắng hơn.
Anh Hồ Văn Ngọ, người có vợ và con gái tử nạn do sạt lở núi vùi lấp nhà cửa hơn một năm trước, cứ thường trực nỗi nhớ “3 trong 1”, vừa nhớ làng, nhớ ngôi nhà quen thuộc ở thung lũng Khe Chữ vừa nhớ vợ và đứa con gái út 3 tháng tuổi chết tức tưởi. Anh Ngọ cho biết, hôm núi sạt lở vùi lấp nhà, anh may mắn không bị gì nhưng vợ, đứa con út của anh bị chết, con gái đầu bị thương nặng phải chuyển hơn 200 km ra Đà Nẵng điều trị. Thời điểm ấy, anh vừa lo ma chay cho vợ con, vừa lo chăm sóc con gái bị thương khó khăn vô cùng. Nếu không có chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, đơn vị và bà con động viên, hỗ trợ, giúp đỡ tinh thần và vật chất thì anh tưởng chừng không gượng dậy nổi.
Theo tục lệ của đồng bào Ca Dong ở vùng cao Nam Trà My, những người chết do tai nạn, chết bất đắc kỳ tử thì được liệt vào cái “chết xấu”, phải chôn riêng biệt ở khu “rừng ma”, tránh liên lụy cho cả làng. Và, mỗi năm chỉ một lần người thân đến thăm mộ đúng ngày giỗ của họ. Anh Ngọ chia sẻ: “Từ ngày vợ con mình và 2 người dân trong làng bị chết do nhà cửa bị núi vùi, mình mới trở lại thăm mộ vợ con vào ngày giỗ đầu. Thương hai mẹ con khi ra đi thiếu thốn nhiều thứ nên mình chuẩn bị mấy bộ áo quần, đôi giày, đôi dép và một số đồ chơi trẻ con bằng vàng mã cúng và đốt. Vì thương mà bắt chước người Kinh làm thế thôi chứ người Ca Dong không có tục đốt vàng mã”.
Hình thành khu dân cư kiểu mẫu
Buổi sớm, vùng cao Nam Trà My sương mờ giăng kín. Làng TĐC Khe Chữ ở thôn 2 của xã Trà Vân vẫn nhộn nhịp những thanh âm của cuộc sống trên ngôi làng hồi sinh sau hơn một năm xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng. Già làng Hồ Văn Hai (75 tuổi) vừa giúp mấy đứa cháu chuẩn bị đến trường vừa trò chuyện với khách. Ông và dân làng rất vui khi được tỉnh, huyện và các cơ quan, đơn vị cùng các nhà hảo tâm... hỗ trợ, giúp đỡ để bà con có ngôi làng mới khang trang, có trường học, có điện và nước sinh hoạt như làng TĐC Khe Chữ hôm nay. “Về làng mới bà con có nhà cửa ổn định chỗ ở, có đường giao thông đi lại thuận lợi, bà con được cấp đất, cây trồng và con giống để làm ăn, phát triển kinh tế. Bà con rất vui và an tâm ở làng TĐC, không lo nạn sạt lở núi vùi làng”, già Hai nói.
Ông Hồ Thanh Luận - Bí thư Đảng ủy xã Trà Vân cho biết, ngay sau khi sạt lở núi tang thương xảy ra, tỉnh và huyện cùng các lực lượng chức năng và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ di dời 120 hộ đồng bào ở làng Khe Chữ đến khu TĐC mới bây giờ. Một ngôi làng mới ở thung lũng Khe Chữ dần hình thành với nhiều điểm sáng của khu dân cư kiểu mẫu vùng đồng bào Ca Dong. Làng đã có đường giao thông, có trường học, điện thắp sáng, nước sạch, nhà cửa khang trang... “Tròn một năm từ khi lập làng, cuộc sống người dân đã dần ổn định. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng với các nhà hảo tâm, hiện người dân đã qua khỏi giai đoạn khó khăn. Giờ chỉ tập trung để nâng cao đời sống gia đình nữa sẽ ổn”, ông Luận chia sẻ.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My cho biết thêm, Bộ Quốc phòng và một số Mạnh Thường Quân đã chung tay cùng địa phương đầu tư khoảng 75 tỷ đồng để hoàn thiện 12 km đường giao thông; xây dựng hệ thống nước sạch phục vụ cho 200 hộ dân; hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 50 ha đất nông nghiệp; xây dựng trường mẫu giáo và trường tiểu học cho các em lớp 1, 2 và quy hoạch diện tích 36 ha để xây dựng làng mới Khe Chữ. Tỉnh và huyện hỗ trợ trồng dược liệu, lấy ngắn nuôi dài. Trồng cây ngắn ngày như sa nhân, đinh lăng, sâm Nam và trồng cây dài ngày như quế Trà My, cấp giống vật nuôi để bà con ổn định bền vững ở làng TĐC Khe Chữ. Tất cả cùng chung quyết tâm xây dựng nơi đây thành khu dân cư kiểu mẫu cho đồng bào ở miền núi với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang và thuận lợi.
Khe Chữ hiện nằm trên trục đường Đông Trường Sơn nối với các tỉnh Quảng Ngãi và Tây Nguyên, vì thế đây cũng là điểm dừng chân, để mọi người chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của con người và vùng đất này sau mất mát, đau thương do thiên tai gây ra.