GD&TĐ - Đến huyện vùng cao Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi thực sự xúc động khi chứng kiến những giáo viên, nhân viên trường học tận tình chăm sóc, GD con em đồng bào DTTS. Giữa muôn trùng khó khăn, điều kiện ăn ở thiếu thốn, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhưng họ vẫn một lòng gắn bó với HS, trường lớp, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Đầm ấm những bữa cơm bán trú
Mặc dù không phải là trường học phổ thông dân tộc bán trú, nhưng trong hơn 5 năm qua, Trường Tiểu học Trà Vân (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My) hoạt động như một trường bán trú. Vất vả, tất bật, lo toan, đầy áp lực công việc nhưng những cán bộ, giáo viên nơi đây vẫn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn và chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em HS.
Hơn 20 năm gắn bó với HS miền núi huyện Nam Trà My, thầy giáo Hồ Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Vân chia sẻ: Không phải cách đây 10 năm hay 20 năm về trước, mà chỉ mới cách đây hơn 5 năm thôi cũng đã thấy đủ những khó khăn, gian khổ mà người dân, HS vùng núi cao huyện nghèo Nam Trà My phải đối mặt. Khi đó, những cô cậu học trò đồng bào dân tộc Xơ Đăng muốn theo học cái chữ phải băng rừng, vượt suối đến trường. Dẫu thích được đến trường học tập nhưng vì những khó khăn, nhọc nhằn đó mà nhiều em “ngậm ngùi” chấp nhận nghỉ học giữa chừng; Trở về làng bản, chịu cảnh “lấy vợ, gả chồng” khi tuổi đời còn rất nhỏ. Cuộc sống quanh năm bị trói buộc bởi cái nghèo, cái đói. Không khác gì cuộc sống của cha ông mình thuở trước.
Thầy Hạnh tâm sự: Là những giáo viên đứng chân ở địa bàn miền núi - vùng đồng bào DTTS, ai cũng cảm thấy đau lòng bởi đó như có một phần lỗi của riêng mình. Điều đó càng thôi thúc cán bộ, giáo viên nhà trường làm những việc hữu ích, góp phần chia sẻ khó khăn với các em HS.
Trước những hiệu quả của mô hình trường học bán trú, năm học 2014 - 2015, được sự hưởng ứng của tập thể hội đồng sư phạm, Trường Tiểu học Trà Vân tiến hành tổ chức bữa ăn bán trú cho HS. Sau những ngày nỗ lục chung tay tạo dựng, khu nhà ăn được các giáo viên tự tay chặt gỗ dựng lên ngay trong khuôn viên nhà trường. Mỗi ngày, sau những giờ dạy trên lớp, cán bộ, giáo viên cũng xắn tay cùng nấu cơm cho HS. Đến nay, mặc dù trường vẫn chưa được chuyển đổi thành mô hình trường PTDT bán trú, nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, các tổ chức, cộng đồng xã hội đã tạo dựng cho nhà trường được khu nhà ăn bán trú, nhà ở bán trú cho HS. Ngày ngày, các thầy cô giáo vẫn tự tay “đi chợ, nấu cơm” cho HS.
Kề vai, sát cánh cùng học trò
Xúc động trước những tình cảm, nghĩa tình mà các thầy cô giáo trao gửi cho học trò, thầy Trịnh Thanh Đông - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Trà Vân bày tỏ: “Có thể thấy rằng, việc giáo viên nhà trường vừa giảng dạy, vừa chăm lo cuộc sống hằng ngày cho HS là rất vất vả. Nhưng ai cũng nghĩ rằng việc gì tốt cho HS thì chung tay, gắng sức làm. Chính vì vậy, giáo viên nào cũng nỗ lực phấn đấu, không quản ngại khó nhọc, một lòng vì HS. Bù lại những nhọc nhằn đó, tình cảm thầy trò như càng thắm thiết, gần gũi hơn. Vui hơn cả là HS đi học chuyên cần, chú tâm vào chuyện học và giảm tình trạng bỏ học giữa chừng”.
Trực tiếp dẫn chúng tôi đi thăm trường, lớp, “nơi ăn chốn ở” của HS bán trú và khu nhà công vụ dành cho giáo viên, thầy Lê Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Vân kể rất nhiều chuyện về hành trình đem con chữ đến vùng cao của những giáo viên nơi đây. Qua những câu chuyện đầy xúc động của thầy, chúng tôi càng hiểu hơn về tấm lòng, phẩm chất của những giáo viên vùng cao. Họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để trao gửi niềm tin, sự yêu thương cho con em đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Những ngày cùng ăn, cùng ở với thầy cô giáo Trường Tiểu học Trà Vân giữa bốn bề rừng núi, là quãng thời gian chúng tôi được sống giữa tình yêu thương. Sự đùm bọc giữa những người giáo viên vùng cao đã giúp chúng tôi thấu hiểu được rằng: Dẫu mỗi người mỗi quê, có mỗi hoàn cảnh khác nhau…nhưng khi đến với miền núi cao dạy học, họ nguyện gắn bó cuộc đời mình với con em đồng bào dân tộc nghèo khó. Họ sống không toan tính vụ lợi, thiệt hơn. Ngày ngày lặng lẽ trôi đi như thế, họ vẫn lặng thầm hi sinh những niềm vui, hạnh phúc riêng, lặng lẽ “bám rừng, bám núi” gieo chữ.
Thầy Dũng tâm sự: Có lẽ, ban đầu, nhiều thầy cô giáo đến với xã Trà Vân, huyện Nam Trà My chỉ vì mưu sinh, chưa phải là vì tình yêu nghề thực sự. Nhưng rồi, khi gắn bó với mảnh đất này, đối mặt với bao gian khó, hiểm nguy, trực tiếp giảng dạy những HS khốn khó, thấu hiểu những nỗi vất vả, thiệt thòi của con em, đồng bào dân tộc nơi đây…trong họ đã nảy nở tình yêu thương thật sự, vùng đất xa lạ bỗng hóa thành quê hương tự lúc nào mà họ không hề hay biết!.