Sau nhiều chuyến đi tiền trạm, vận động quyên góp, chuẩn bị vật liệu, nhân công... CLB bắt tay xây dựng lại điểm trường Nước Ui. Từ dự kiến 50 triệu đồng, kinh phí đội lên tới gần 120 triệu đồng. Sau bảy tháng thi công, điểm trường Nước Ui kiên cố đã hoàn thành với hai phòng học khang trang. Mỗi phòng học rộng 56 m2, được trang bị bàn ghế, bảng, sách vở mới tinh cho 60 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. “Nhìn thấy hình ảnh các em học sinh và cô giáo được học, sinh hoạt trong phòng học kiên cố, chúng tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc. Từ lúc đó, CLB quyết định chuyển hẳn sang hoạt động tình nguyện về giáo dục miền núi”, anh Nguyễn Bình Nam chia sẻ. Hơn 10 năm hoạt động, đến nay, CLB đã kêu gọi nguồn xã hội hóa để xây 13 điểm trường ở vùng cao các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. Từ điểm trường đầu tiên với kinh phí chỉ hơn 100 triệu đồng, đã có những điểm trường xây dựng đến 600 triệu đồng. Tất cả đều bảo đảm kiên cố, có phòng học, phòng sinh hoạt của giáo viên, bếp, nhà vệ sinh... Hiện tại, CLB đang triển khai điểm trường thứ 14 ở Cheng Tong, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, CLB còn triển khai thêm các hoạt động thiện nguyện như “Bữa cơm miền núi”, “Tủ sách vùng cao”, “Én nhỏ vùng cao”, “Sữa vùng cao”... hỗ trợ học sinh ở gần 20 điểm trường. Dự án “Bữa cơm miền núi” và “Sữa vùng cao” bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Hằng tuần, mỗi học sinh sẽ nhận được hai bữa cơm có thịt, hai hộp sữa. Ðến nay, dự án vẫn đang hỗ trợ hơn 800 học sinh vùng dân tộc thiểu số. “Ðiều làm chúng tôi nhớ mãi là những gói cơm mà các em mang theo chỉ có cơm gạo đỏ với rau rừng cùng muối sống giã với ớt hoặc cơm muối vừng và ít rau. Những đứa trẻ thấp còi vẫn ngày ngày đi bộ quãng đường dài đến trường học cái chữ. Vì vậy, CLB quyết tâm giúp các em có những bữa ăn đủ dinh dưỡng hơn” - Trương Quỳnh Như, thành viên CLB cho biết.
Những hoạt động của CLB thực hiện đã tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ với cộng đồng, nên nhiều dự án đã nhận được sự hỗ trợ từ những nhà hảo tâm, người dân khắp cả nước. Mỗi năm, kinh phí thực hiện “Bữa cơm miền núi” khoảng 200 triệu đồng và “Sữa vùng cao” từ 100 đến 190 triệu đồng. Vậy nhưng, khi hỏi đến kỷ niệm gì các thành viên trong CLB nhớ nhất thì mọi người đều nói chính những câu chuyện về người giáo viên từ dưới xuôi lên cắm bản, cắm rừng để ở lại với học sinh; là những đứa trẻ sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng vẫn luôn vui vẻ, lễ phép và
nỗ lực học hành... “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động của mình hướng đến giáo dục miền núi. Nơi đó, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chỉ có cái chữ mới giúp những vùng đất này thay đổi và muốn vậy, phải bắt đầu từ những đứa trẻ... Chúng tôi chỉ mong giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn để tự các em vươn lên quyết định tương lai của mình” - anh Nguyễn Bình Nam bộc bạch