HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA: SÂN KHẤU HÓA TÁC PHẨM VĂN HỌC
MỘT HÌNH THỨC ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP MỚI VÀO VIỆC
DẠY HỌC “HỌC VĂN-VĂN HỌC” TRONG TRƯỜNG PTDTBT TH&THCS TRÀ NAM.
Hoạt động ngoại khóa trong nhà trường nói chung và hoạt động ngoại khóa văn học nói riêng là một việc làm cần thiết, bổ ích và không thể thiếu trong quá trình dạy học. Bởi lẽ, đây là dịp để học sinh khắc sâu kiến thức, rèn kỹ năng cảm thụ tác phẩm, thể hiện sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Qua đó, ngày càng yêu thích môn học vì hơn hết, sứ mệnh nhân văn lớn lao của nhà giáo nói chung và giáo viên môn Ngữ văn nói riêng, chủ yếu không phải ở chỗ gieo cấy mà là đánh thức - đánh thức trí tuệ và tâm hồn học sinh, đánh thức niềm say mê và hứng khởi với môn học.
Khởi đầu của môn Ngữ văn, và cũng là con đường đổi mới cơ bản của phương pháp dạy học Văn nằm ở khâu đọc văn bản, mà sân khấu hóa tác phẩm văn học chính là một trong những hình thức đọc sáng tạo nhất. Thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo này, các em học sinh không chỉ thâm nhập mà còn được sống cùng với tác phẩm, phá vỡ sự ngăn cách giữa người đọc và tác phẩm như cách học truyền thống. Sân khấu ở đây vừa là sàn diễn, nhưng đồng thời cũng là lớp học, nơi các em được thỏa sức sáng tạo và bộc lộ cá tính của mình. Có thể nhận thấy, đây chính là một trong những hình thức phù hợp nhất với định hướng đổi mới phương pháp dạy học mà trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và Trung học cơ sở Trà Nam vẫn luôn theo đuổi.
Với mong muốn xây dựng một sân chơi giải trí, học tập lành mạnh và bổ ích cho học sinh, ứng dụng phương pháp đổi mới vào dạy học Ngữ văn, ngày 23/12/2020, tại sân trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam, tổ KHXH trường PTDTBT TH&THCS Trà Nam đã tổ chức hoạt động ngoại khóa, chuyên đề "Sân khấu hóa tác phẩm văn học " năm học 2020-2021.
Trên cơ sở kinh nghiệm, hiệu quả đạt được trong hoạt động ngoại khóa văn học, chuyên đề Văn học dân gian năm học trước, hoạt động ngoại khóa lần này có quy mô rộng hơn về đối tượng tham gia, phong phú hơn về đề tài, giai đoạn cùng tác phẩm văn học. Để phù hợp với nội dung chương trình của các khối lớp và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, các thầy cô tổ KHXH và giáo viên văn, GVCN đã định hướng cho các em lựa chọn tác phẩm để chuyển thể: Từ văn học trung đại mở rộng sang đến văn học hiện đại.
Xuất phát từ thái độ, tinh thần tôn trọng giá trị, ý nghĩa của tác phẩm văn học kết hợp sự tưởng tượng phong phú phù hợp với nội dung chương trình; bằng lối diễn xuất tự nhiên và việc nhập vai khá tốt, các em đã đem đến những tác phẩm chuyển thể mang đậm tính nghệ thuật, gây được sự xúc động cho người xem và điều quan trọng nhất là, chính các em được hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về các tác phẩm ấy.
Qua buổi công diễn, Ban tổ chức ghi nhận nhiều tiết mục được đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu, luyện tập nghiêm túc, tạo ra được bất ngờ lớn cho người xem, đồng thời, cũng phát hiện được nhiều nhân tố, nhiều tài năng nghệ thuật của các em học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, thúc đẩy phong trào văn nghệ của nhà trường trong thời gian tới.
Thông qua hoạt động ngoại khóa này, tổ KHXH cũng hướng đến giáo dục học sinh tình yêu quê hương đất nước, yêu cội nguồn dân tộc, tình yêu thương con người, biết quý trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông, biết lẽ phải, biết phân biệt giữa cái xấu và cái tốt… Bởi các tác phẩm văn học được đưa vào nhà trường không chỉ có giá trị thẩm mĩ, giá trị văn học mà còn hàm chứa trong đó những giá trị tốt đẹp đầy tính nhân văn. Đây cũng chính là một trong những mong muốn lớn nhất của nhà trường.
Cùng với những lời ca tôn vinh vẻ đẹp vĩnh hằng của nghệ thuật và sự nuối tiếc, suy tư ăm ắp trong lòng người xem – đặc biệt là các em học sinh. Hy vọng lần thử sức này sẽ là trải nghiệm lớn, là ngọn lửa nuôi dưỡng niềm đam mê văn học và nghệ thuật nơi các em.
Một số hình ảnh.