Những câu chuyện men theo chiều dài lịch sử dân tộc, trải qua từ thuở vua Hùng dựng nước, sang thời Bắc Thuộc, đến Đinh – Lý – Trần – Lê, Trịnh - Nguyễn phân tranh rồi thời Pháp đô hộ, cho đến khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh đuổi lần lượt 2 đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, tiến tới xây dựng đất nước ngày càng to đẹp hơn…
Mỗi tuần một nhân vật lịch sử
Khi bóng tối bắt đầu bao trùm lên đỉnh núi thì cũng là lúc các em học sinh tập trung ở sân trường, ngồi xếp bằng ngay ngắn trên những manh chiếu trải sẵn, say sưa nghe thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thắng kể chuyện. Những câu chuyện ấy các em đã được nghe, được học trên lớp, nhưng qua cách kể chuyện của thầy trở nên thật hấp dẫn và lôi cuốn, với những chi tiết đi vào lòng người, dễ nhớ, dễ thuộc.
Này là chuyện anh hùng Lý Bí (503 – 548), 5 tuổi thì cha mất; 7 tuổi mẹ qua đời, phải ở nhờ nhà chú ruột, ấy thế lại học tập rất chuyên cần, trở thành người học rộng, hiểu sâu để trở thành vua Lý Nam Đế sau này. Hay chuyện Nguyễn Trãi (1380 – 1442), ngày tuổi còn nhỏ, sống trong cảnh thanh bần nhưng học tập rất siêng năng, được cha là Nguyễn Phi Khanh làm thơ khen: “Cố viên loạn hậu hữu tiên lư/lục tuế nhi đồng phả ái thư” (vườn xưa sau loạn còn nhà cũ, sáu tuổi con thơ rất thích sách).
“Mỗi tuần mình chọn một nhân vật lịch sử để kể. Mình không kể toàn bộ hành trang cuộc đời mà chú tâm vào những chuyện hiếu học của mỗi nhân vật, để khơi gợi lòng ham học cho các em” – thầy Thắng nói.
Thầy Thắng còn chọn những câu chuyện lịch sử nói về tinh thần kỷ luật trong cuộc sống, như chuyện Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã răn dạy con là vua Trần Anh Tông, khi thấy con uống rượu say khướt: “Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được; trẫm đang sống mà ngươi còn như thế, huống chi sau này?”. Hay là chuyện thú vị trong cuộc đời của các danh nhân, như chuyện ba chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khi đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thường niên của tỉnh, ba vị lẩn vào các khóa sinh, làm bài thi ký tên là Đào Mộng Giác, kêu gọi sĩ tử đang đắm đuối trong khoa trường và danh lợi hãy tỉnh dậy lo giải phóng giống nòi.
Một chương trình ngoài giờ lên lớp thiết thực
Kết thúc mỗi câu chuyện, thầy Thắng đều đúc kết lại một bài học về cuộc sống. Khi kể chuyện, thầy có cách thức kể để tạo sự thú vị cho câu chuyện, với bí quyết: “Mình ít trình bày những con số sự kiện, và mình xác định là kể chuyện lịch sử chứ không giảng dạy về lịch sử”. Xen giữa mỗi buổi kể chuyện như thế, thầy bố trí cho các em biểu diễn một vài tiết mục văn nghệ để các em thư giãn. Kể chuyện xong, thầy hỏi các em có cảm nghĩ gì về câu chuyện thầy vừa kể; các em hăng hái giơ tay phát biểu.
Thầy Thắng vốn tốt nghiệp sư phạm chuyên ngành môn Lịch sử; bây giờ làm quản lý, niềm đam mê lịch sử vẫn còn cháy bỏng. Nên, từ năm ngoái, khi làm Hiệu trưởng của Trường PTDT Bán trú THCS Trà Cang, thầy đề ra chương trình kể chuyện lịch sử hàng tuần này. Thầy nói: “Mình kể chuyện lịch sử cho học sinh nghe còn để thỏa mãn niềm đam mê lịch sử của mình, nhưng trên hết, đây là chương trình hoạt động ngoài giờ lên lớp rất hay”.
Em Hồ Văn Thạnh (lớp 7), thổ lộ: “Em thích nhất là câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi, hồi nhỏ nhà rất nghèo, không có tiền mua đèn dầu thắp sáng để học liền bắt đom đóm rồi bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng đọc sách, thế mà sau này đậu Trạng Nguyên”. Còn em Hồ Thị Hậu, Liên đội trưởng của trường thì bộc bạch: “Em thích nhất là chuyện về Hai Bà Trưng, là phụ nữ nhưng đã lãnh đạo đàn ông chống lại giặc Đông Hán. Em còn thích nhiều nhân vật lịch sử nữa, như Trần Quốc Tuấn, Quang Trung… Những buổi kể chuyện của thầy khiến em biết yêu quý hơn lịch sử nước mình”.
Theo thầy Võ Ngọc Hành, Tổng phụ trách Đội của trường, xã Trà Cang là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Nam Trà My, sự học của các em học sinh còn rất khó khăn, sách báo để các em đọc còn rất thiếu thốn, nên rất cần những bài học lịch sử như vậy để các em mở mang kiến thức, tạo động lực cho các em học tốt. Trong chương trình này, đích thân thầy hiệu trưởng giao lưu nói chuyện với các em, nên cũng làm học sinh gắn bó với trường lớp, với thầy cô hơn, và thầy cô cũng gắn bó với các em hơn.
Từ đó, khi thực hiện chương trình, điểm sử của các em học sinh trong trường cao hơn rất nhiều so với mấy năm trước. Hai năm nay tình trạng học sinh bỏ học cũng không còn, theo thầy Hành, đấy là nhờ những bài nói chuyện lịch sử không nặng nề về kiến thức, mà giản đơn và rất thú vị như thế.