Mô hình trường học mới tại trường PTDTBT THCS Trà Nam
Thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc áp dụng thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) cấp trung học cơ sở. Trong năm học 2015-2016, Sở GD&ĐT Quảng Nam triển khai thí điểm mô hình trường học mới ở một số trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó Trường PTDTBT THCS Trà Nam được phòng GD&ĐT Nam Trà My chọn là trường đầu tiên triển khai thí điểm mô hình trường học mới ở khối 6 trên địa bàn huyện.
Là trường được chọn thí điểm tổ chức một lớp học theo mô hình trường học mới, cán bộ quản lý nhà trường đã tham gia khóa tập huấn 4 ngày (29/8-1/9/2015) tại Lâm Đồng do Bộ GD&ĐT tổ chức, đồng thời cán bộ quản lý và giáo viên các bộ môn cũng được tập huấn 3 ngày (10/9 - 12/9/2015) tại Sở GD&ĐT Quảng Nam để triển khai thực hiện trong năm học 2015-2016.
Mô hình trường học mới là mô hình trường tiên tiến, hiện đại, đồng thời kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, có sự đổi mới nội dung chương trình dạy học, đổi mới về mục tiêu đào tạo, tài liệu học tập, phương pháp dạy học cũng như cách thức đánh giá, tổ chức quản lý lớp học và các điều kiện khác như trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Để thực hiện theo mô hình trường học mới này đòi hỏi các thầy cô giáo phải hoàn toàn đổi mới phương pháp dạy của mình, các em học sinh học tập, lĩnh hội kiến thức, chia sẻ vốn hiểu biết của mình, được trải nghiệm trong cuộc sống, học sinh tự tin, được thể hiện mình, học sinh học tập kiến thức và rèn luyện kĩ năng sống, trao đổi tạo sự gắn bó thân thiện giữa các bạn trong lớp. Các thầy cô giáo là người hướng dẫn, đồng hành với các em, giúp các em tự tìm hiểu và lĩnh hội kiến thức, theo đó không khí lớp học cũng nhẹ nhàng và thân thiện hơn, học sinh sẽ không học thụ động mà bắt buộc phải có sự tư duy, trao đổi với giáo viên và bạn học trong nhóm, trong lớp từ đó nâng cao hiệu quả tiếp nhận kiến thức.
Ở mô hình trường học mới này, cách thức tổ chức lớp học như sau: Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản” do các em bầu ra và đảm nhiệm, lớp học chia thành nhiều nhóm học tập, các nhóm tự đặt tên theo ý kiến thống nhất của nhóm mình, các em ngồi học theo nhóm, ngồi quay mặt vào nhau để cùng trao đổi, thảo luận và học tập, đồng thời xây dựng không gian lớp học với các “Góc học tập”, “Góc thư viện”, “Góc cộng đồng”, “Góc sinh nhật”, mở hòm thư “Điều em muốn nói” và trang trí lớp học sinh động vui tươi tạo ra môi trường học tập thân thiện, an toàn.
Để tạo sự đồng thuận trong trong phụ huynh học sinh cũng như trong công đồng và kêu gọi sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương trong việc triển khai mô hình trường học mới, đầu năm học 2015-2016 nhà trường đã báo cáo với chính quyền địa phương về việc triển khai mô hình trường học mới, đồng thời trong cuộc họp phụ huynh lớp 6 đầu năm học, cán bộ giáo viên đã giới thiệu mô hình trường học mới cho phụ huynh biết và trả lời, giải đáp các thắc mắc của phụ huynh liên quan đến mô hình này để phụ huynh biết được con mình học cái gì, học như thế nào và hướng dẫn con em học ở nhà để nâng cao hiệu quả của tiếp thu kiến thức. Để có sách giáo khoa theo mô hình mới cho học sinh học tập trong điều kiện phụ huynh còn khó khăn, nhà trường đã tham mưu Phòng GD&ĐT, UBND huyện Nam Trà My hỗ trợ kinh phí với số tiền là 16 triệu đồng để mua sách giáo khoa cho các em học tập. Bên cạnh đó, bộ phận chuyên môn Phòng GD&ĐT cũng như chuyên môn nhà trường thường xuyên theo dõi chỉ đạo dự giờ thăm lớp, trao đổi góp ý trong quá trình dạy học của của lớp thí điểm để rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả dạy học theo mô hình này.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dạy học theo mô hình mới tại trường cũng gặp phải một số khó khăn, đó là: Lớp có sĩ số đông (41 em) trong khi diện tích phòng học được xây dựng cho lớp học truyền thống, diện tích nhỏ (48 m2) nên khó khăn trong việc bố trí sắp xếp các nhóm học tập; Giáo viên chưa được đào tạo để giảng dạy theo mô hình trường học mới mà chỉ được tập huấn một thời gian ngắn nên phương pháp chưa quen, giáo viên chỉ được đào tạo một môn chuyên ngành nên khó khăn khi giảng dạy liên môn (Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Hoạt động giáo dục); Vì là chương trình thử nghiệm nên có một số chỗ chưa hợp lý và thiếu sách tài liệu cho học sinh tham khảo; Phụ huynh chưa quen với việc hướng dẫn học sinh học tập tại nhà nên phần hoạt động ứng dụng về nhà của học sinh chưa được hỗ trợ; Học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng giao tiếp và khả năng hoạt động tập thể, hoạt động cá nhân độc lập hạn chế nên khó khăn trong việc hoạt động nhóm, tự tìm tòi kến thức nhất là đối với những em học lực trung bình, yếu; Việc học tập theo từng nhóm cũng tạo điều kiện cho một số em nói chuyện riêng, không tích cực học tập, ỷ lại vào những em khá giỏi trong nhóm; Mô hình này đòi hỏi nhà trường phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu tư nhiều hơn lớp học bình thường trong khi nhà trường còn khó khăn về kinh phí.
Qua 2 tháng triển khai thực hiện, nhìn chung đã có những chuyển biến tích cực trong công tác dạy học ở lớp thí điểm, học sinh chủ động hơn trong học tập, mạnh dạn tự tin hơn, tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Bộ phận chuyên môn và các thầy cô giáo cũng đã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ học sinh làm quen để đạt kết quả tốt khi học theo chương trình mới vì các em lớp 6 là lớp đầu cấp nên có nhiều bỡ ngỡ trong việc tiếp cận chương trình. Nhà trường mong rằng phụ huynh học sinh, ngành giáo dục, các cấp lãnh đạo huyện nhà có nhiều quan tâm hơn nữa để có thể thực hiện thành công mô hình trường trường học mới này vì mục tiêu chung là nâng cao chất lượng dạy học và chất lượng học sinh hiện nay.
Nguồn tin:
Tổ Khoa học Xã hội trường PTDTBT THCS Trà Nam
[Trở về]
Các tin mới hơn:
Các tin cũ hơn: