Chiều ngày 13/09/2018 Chi ủy, chi bộ trường học tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Một số biện pháp tổ chức vận động và duy trì sĩ số học sinh tại xã Trà Don huyện Nam Trà My”.
Đến dự buổi sinh hoạt chuyên đề có Ông Nguyễn Văn Cẩn - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Nam Trà My, Ông Nguyễn Văn Nhị - chuyên viên phòng GD&ĐT, Ông Trần Vĩnh Thơ - Phó bí thư, chủ tịch UBND xã Trà Don và các đồng chí đảng viên trong chi bộ, Chủ tịch công đoàn, bí thư, tổ trưởng chuyên môn của 3 trường.
Trong buổi sinh hoạt có hơn 10 ý kiến thảo luận, đưa ra các giải pháp để vận động và duy trì sĩ số học sinh đến cuối năm đạt từ 99% trở lên, không có học sinh bỏ học giữa chừng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; Buổi sinh hoạt đã đưa ra 10 giải pháp cho công tác vận động duy trì sĩ số năm học 2018-2019 như sau.
Giải pháp 1: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền.
Việc tuyên truyền phải làm sao để mọi người hiểu ra rằng: “Nếu toàn xã hội và các gia đình quan tâm với công tác giáo dục thì con em họ được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn”. Việc tuyên truyền phải là một chủ trương đúng đắn với mục đích dành những gì đẹp nhất cho trẻ, cải thiện điều kiện học tập của trẻ, đổi mới cách dạy của thầy và cách học của trò,…
Cách làm:
- Đối với cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường:
Thông qua các buổi sinh hoạt hội đồng, chuyên môn nhà trường thông báo rõ chủ trương mục đích huy động và duy trì sĩ số học sinh trên lớp, xây dựng nội dung cụ thể chi tiết cho giáo viên khi triển khai tới từng phụ huynh học sinh thông qua các buổi họp định kỳ trong năm, giáo viên lắng nghe phản hồi của phụ huynh học sinh tổng hợp những ý kiến chung nhất để xây dựng kế hoạch thực hiện. Sau đó thông báo lại cho ban đại diện các lớp để tạo được sự đồng thuận cao nhất.
Công khai kịp thời các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục của nhà trường theo từng giai đoạn để tất cả tập thể sư phạm trong nhà trường đề được tham gia, góp ý và hiến kế hay cho nhà trường.
- Đối với lãnh đạo và nhân dân địa phương trên địa bàn:
Tạo mối quan hệ thật tốt với lãnh đạo địa phương, phối hợp tổ chức tốt các kỳ Đại hội, Hội nghị giáo dục cấp cơ sở đúng định kỳ, xây dựng nghị quyết thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn phát triển của nhà trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục xã nhà nói chung.
Trong đó cần đề cao vai trò và vị trí của công tác huy động và duy trì sĩ số học sinh để xây dựng và phát triển nhà trường. Từ đó mới huy động được sức mạnh tổng hợp của các ban ngành đoàn thể, mới kêu gọi được sự đồng thuận, sự đóng góp của từng phụ huynh học sinh.
Thành lập ở mỗi điểm thôn, nóc 1 tổ vận động ( gồm những người uy tín, nóc trưởng…)
Giải pháp 2: Xây dựng kế hoạch phân phối các nguồn nhân lực.
Năng động, sáng tạo trong quản lý, điều hành, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực tại đơn vị. Phân phối nguồn lực, hay sử dụng nguồn lực được tốt thì chất lượng sẽ tốt. Ngay từ đầu năm học, dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn năm trước, dựa vào năng lực và sở trường của từng giáo viên ở từng khối lớp nhà trường lựa chọn sàng lọc đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tận tâm, tận lực với học sinh để làm tốt công tác duy trì học sinh.
Kiện toàn lại các tổ chức đoàn thể theo tinh thần “đúng người đúng việc”, hướng hoạt động của các đoàn thể nhà trường đi vào thực chất, có hiệu quả. Đồng thời cũng cố và tăng cường tinh thần đoàn kết của các đoàn thể nhà trường, tạo nên khối thống nhất của một tập thể sư phạm
Giải pháp 3: Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong sự kết hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường, là cầu nối giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Vì vậy, việc bố trí giáo viên làm tốt công tác chủ nhiệm tạo uy tín cao đối với phụ huynh học sinh là điều kiện tốt để phụ huynh đóng góp và tham gia xây dựng nhà trường.
Ở Hội nghị phụ huynh học sinh nhà trường cần định hướng giáo viên chủ nhiệm chọn lựa được ban đại diên cha mẹ học sinh ở các khối lớp là những người có thể chung lưng đấu cật cùng nhà trường để cùng giáo dục học sinh một cách hiệu quả.
Đối với bậc tiểu học kết thúc mỗi buổi học phải dặn dò, động viên nhắc nhở các em cho buổi học ngày hôm sau, bậc THCS sau mỗi tiết học phải có dặn dò ra các bài tập cho các em, giáo viên phải nhẹ nhàn ân cần, giổ giành.
Giải pháp 4: Tận dụng những kinh nghiệm của phụ huynh, các đồng nghiệp đi trước
Xác định kỹ nguyên nhân những tồn tại của những năm học trước đó, thăm dò, tìm hiểu qua đồng nghiệp đi trước và phụ huynh học sinh tìm ra lý do của những tồn tại đó, vì sao phụ huynh và cộng đồng ít tham gia các công tác chung của đơn vị trường, sàng lọc đúc rút những ý kiến thiết thực bổ ích, tổng hợp thành quan điểm chung nhất để rút ra bài học cho công tác chung của đơn vị.
Tìm ra được một trong những nguyên nhân thất bại trong việc huy động cộng đồng tham gia xây dựng nhà trường. Từ đó đơn vị trường sẽ có được bài học vô cùng quí báu, từ những thất bại của những thế hệ đi trước nhà trường tiếp tục xây dựng kế hoạch chiến lược đột phá giải quyết nhanh chóng những tồn tại trước mắt bằng nội lực, tạo nét mới, sau đó kêu gọi phụ huynh học sinh ủng hộ.
Giải pháp 5: Làm tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo địa phương.
Chủ động định kỳ làm việc với cấp ủy và chính quyền địa phương để kịp thời báo cáo được diễn biến của nhà trường và xin ý kiến chỉ đạo hỗ trợ những vấn đế ngoài tầm tay của đơn vị.
Tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, không ngồi chờ và đổ lỗi cho sự quan tâm ấy khi nhà trường gặp khó khăn.
Mỗi lần đề xuất một chủ trương gì về giáo dục ở địa phương đều phải tham mưu cụ thể các biện pháp thực hiện.
Thường xuyên và kịp thời cung cấp những thông tin về giáo dục (các chủ trương của ngành, các hoạt động của các đơn vị tiên tiến….) đến các cán bộ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền địa phương.
Việc tham mưu phải trở thành ý Đảng lòng dân và được thể hiện bằng các nghị quyết của cấp ủy, văn bản chỉ thị địa phương mới được toàn cộng đồng ủng hộ.
Thành lập đội thanh niên tình nguyện vận động, động viên con em đến lớp, đến trường, và các ban ngành của xã phải vào cuộc và có kế hoạch chương trình hành động để vận động duy trì sĩ số học sinh.
Giải pháp 6: Xây dựng các cơ chế liên kết giữa nhà trường, gia đình, lực lượng xã hội.
Nhà trường luôn lấy mối quan hệ: Nhà trường – gia đình – xã hội làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động giáo dục. Với việc thành lập Ban chỉ đạo PCGD vào đầu năm gồm các đ/c có năng lực và chủ chốt của Đảng uỷ, UBND và các đoàn thể trong ngoài nhà trường thường xuyên tổ chức các cuộc họp, trao đổi, nhận định tình hình giáo dục của địa phương nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại.
Đơn vị trường cần làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, kịp thời báo cáo những tồn tại vướng mắc để tìm cách giải quyết thoả đáng. Bên cạnh đó trường tổ chức nhiều đợt vận động, tuyên truyền sâu rộng, thiết thực nâng cao ý thức, tầm quan trọng của việc học, các chủ trương chính sách về công tác giáo dục và PCGD ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục của từng đơn vị trường.
Giải pháp 7: Quan tâm thực sự đến học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh con em gia đình chính sách, học sinh bán trú:
Ngay từ đầu năm học, nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm điều tra thật kỹ hoàn cảnh học sinh, tranh thủ thời gian đến thăm nhà các em để tìm hiểu nhờ đó mới có thể tìm được phương pháp giáo dục thích hợp. Gần gũi chia sẽ hoàn cảnh của các em có hoàn cảnh khó khăn nhất là các em mồ côi cha mẹ, con em gia đình chính sách. Tranh thủ mọi sự hỗ trợ của cấp trên để tạo điều kiện cho các em có chỗ dựa vững chắc khi đến trường. Tổ chức thật tốt phong trào: “Giúp bạn đến trường”, “đôi bạn cùng tiến”…..
Một mặt chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn, mặt khác giáo dục tinh thần tương thân tương ái cho các em qua những hoạt động thiết thực. Đồng thời qua đó để kêu gọi mọi người chăm lo cho các em cùng nhà trường.
Mỗi đầu giờ tiết học giáo viên cần dành vài phút để trao đổi trò chuyện với học sinh, nở nụ cười niềm nở, gần gũi thân thiện với học sinh…tạo ra một lớp học, môi trường giáo dục như là ngôi nhà thứ hai của mình. Từ đó học yêu mến thầy cô và càng yêu thích đến trường mỗi ngày. Không vì công việc cá nhân mà tội lỗi đều đổ vào học sinh như “Như giận cá chém thớt”.
Có như vậy ngôi nhà chung mới thật sự ấm cúng. Phụ huynh học sinh lại càng phấn khởi với những hoạt động mà nhà trường làm được, họ sẵn sàng ủng hộ. Phải thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh, giáo viên.
Giải pháp 8: Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút học sinh tham gia ra lớp:
Ban HĐGDNGLL, Tổng phụ trách Đội cần xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm nhằm đạt được hai mục tiêu cơ bản: Vừa tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, ý thức cách mạng theo từng chủ điểm, vừa tạo cho học sinh một sân chơi bổ ích, hiệu quả, vui vẻ, thân thiện, đoàn kết, thi đua trong trường học qua lời ca, tiếng hát hay các hoạt động thể dục thể thao, các trò chơi dân gian. Việc làm này có ý nghĩa rất lớn đến việc thu hút học sinh tham gia ra lớp vì đã đánh trúng vào những ham muốn của học sinh hiện nay.
Các trường bán trú tổ chức sinh hoạt định kỳ hằng tuần vào tối chủ nhật các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao các trò chơi để động viên các em đến trường.
Giải pháp thứ 9: Thành lập tổ vận động học sinh:
Mỗi làng dân cư thành lập tổ vận động học sinh, hàng tháng vào ngày 26 tổ chức họp tổ vận động học sinh ra lớp. Với nội dung nhận xét việc học tập của học sinh trong tháng trước và triển khai tình hình công tác giáo dục trong tháng đến, gắn với việc triển khai các chủ trương, chính sách, Nghị quyết của huyện, xã về công tác giúp dân đăng ký thoát nghèo, gieo ươm và trồng các loại cây dược liệu, cây giỗi rừng, quế Trà My, chuối mốc; chăn nuôi dê, heo đen..và xây dựng làng văn hóa, khu du lịch cộng đồng thôn 1và công tác y tế, chính sách dân số…Kết thúc cuộc họp tổ vận động thư ký tổng hợp nội dung và các ý kiến đề xuất chuyển cho chi bộ thôn, lãnh đạo nhà xem xét lồng ghép triển khai trong các cuộc họp để kịp thời chỉ đạo
Giải pháp 10: Đúc kết, rút kinh nghiệm sau từng giai đoan thực hiện
Tổ chức đánh giá lại công tác này sau mỗi giai đoạn thực hiện, nhìn nhận điểm gì chưa được thì tìm biện pháp khắc phục ngay, những gì đã làm được không dừng lại ở niềm tự hào mà cần phải nêu cao tinh thần phát huy.
Xây dựng kế hoạch chỉ là tiền đề, việc tổng kết đúc rút kinh nghiệm mới là quan trọng. Có như vậy việc huy động cộng đồng tham gia huy động và duy trì sĩ số học sinh mới được bền lâu và duy trì được thường xuyên.
Một số hình ảnh buổi sinh hoạt.
Ảnh Ông Nguyễn Văn Cẩn Ủy viên BTV, trưởng ban tuyên giáo, giám đốc trung tâm BDCT Nam Tra My
Ảnh, tin bài: Đăng Chín