Chuyên đề: "Dạy học môn Hóa Học bằng phương pháp bàn tay nặn bột" do đồng chí Lâm Thị Mỹ thực hiện với mục tiêu hình thành cho học sinh một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học. Phương pháp "Bàn tay nặn bột" là một trong những phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối học sinh trung học cơ sở, lứa tuổi bắt đầu có ý thức tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Dạy học khoa học dựa trên tìm tòi nghiên cứu là một phương pháp dạy và học khoa học xuất phát từ sự hiểu biết về cách thức học tập của học sinh, bản chất của nghiên cứu khoa học và sự xác định các kiến thức khoa học cũng như kĩ năng mà học sinh cần nắm vững.
Hình ảnh góp ý sinh hoạt
Phương pháp dạy học này cũng dựa trên sự tin tưởng rằng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng học sinh thực sự hiểu những gì được học mà không phải đơn giản chỉ là học để nhắc lại nội dung kiến thức và thông tin thu được. Không phải là một quá trình học tập hời hợt với động cơ học tập dựa trên sự hài lòng từ việc khen thưởng, dạy học khoa học dựa trên tìm tòi nghiên cứu đi sâu với động cơ học tập được xuất phát từ sự hài lòng của học sinh khi đã học và hiểu được một điều gì đó. Tiến trình tìm tòi nghiên cứu khoa học trong phương pháp BTNB là một vấn đề cốt lõi, quan trọng. Tiến trình tìm tòi nghiên cứu của học sinh không phải là một đường thẳng đơn giản mà là một quá trình phức tạp. Học sinh tiếp cận vấn đề đặt ra qua tình huống (câu hỏi lớn của bài học); nêu các giả thuyết, các nhận định ban đầu của mình, đề xuất và tiến hành các thí nghiệm nghiên cứu; đối chiếu các nhận định (giả thuyết đặt ra ban đầu); đối chiếu cách làm thí nghiệm và kết quả với các nhóm khác; nếu không phù hợp học sinh phải quay lại điểm xuất phát, tiến hành lại các thí nghiệm hoặc thử làm lại các thí nghiệm như đề xuất của các nhóm khác để kiểm chứng; rút ra kết luận và giải thích cho vấn đề đặt ra ban đầu. Trong quá trình này, học sinh luôn luôn phải động não, trao đổi với các học sinh khác trong nhóm, trong lớp, hoạt động tích cực để tìm ra kiến thức.
Chuyên đề đã nhận được sự đánh giá cao của các đồng chí trong cụm chuyên môn số 3 về nội dung cũng như phương pháp thể hiện. Các nội dung trong chuyên đề được đánh giá là phù hợp và mang tính hiệu quả cao..
Cũng tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Lâm Thị Mỹ đã thực hiện tiết dạy minh họa áp dụng phương pháp bàn tay nặn bột và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các thầy cô tham dự. Nội dung tiết dạy đã thật sự làm nổi bật lên phương pháp, đa phần đã tạo cho học sinh niềm đam mê hứng khởi trong học tập, các câu hỏi gợi mở vấn đề liên tục được các em đặt ra, khơi dậy tính tò mò, niềm say mê khám phá trong mỗi em.
Một số hình ảnh tại tiết dạy minh họa
Kết thúc tiết dạy, đa số học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, trả lời câu hỏi/làm bài tập đúng với yêu cầu của giáo viên về thời gian, nội dung và cách thức trình bày; nhiều câu trả lời/đáp án mà học sinh đưa ra thể hiện sự sáng tạo trong suy nghĩ và cách thể hiện.
Kết luận tại buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Trà Vân, đánh giá cao nội dung chuyên đề cũng như kết quả đạt được sau buổi sinh hoạt. Đồng thời cũng giao nhiệm vụ cho bộ phận chuyên môn - tổ KHTN tiến hành hoàn thiện chuyên đề theo nội dung thảo luận và tiến hành đưa lên cổng trường học kết nối./.