Chi tiết tin

Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng bộ Tỉnh Quảng nam (28.3.1930-28.3.2018) và 43 năm ngày giải phóng Quảng nam (24.3.1975-24.3.2018)

Cách đây 88 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 03-02-1930, thì chỉ gần 2 tháng sau, vào ngày 28-3-1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời. Đây là sự kiện lịch sử rất trọng đại và nổi bật trong đời sống chính trị của nhân dân tỉnh ta nửa đầu thế kỷ XX, đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam.

Cách đây 88 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 03-02-1930, thì chỉ gần 2 tháng sau, vào ngày 28-3-1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời. Đây là sự kiện lịch sử rất trọng đại và nổi bật trong đời sống chính trị của nhân dân tỉnh ta nửa đầu thế kỷ XX, đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam.




Tượng đài Mẹ Thứ

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, mở đầu là cao trào đấu tranh trong những năm 1930-1931 nhằm ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; phong trào đòi dân sinh - dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng 1939-1945. Trong các thời kỳ đó, thực dân Pháp và chính quyền phong kiến tay sai đã thực hiện các biện pháp đàn áp vô cùng dã man; nhất là các thời điểm tháng 10.1930, năm 1935, tháng 10.1939, năm 1942 và năm 1943, địch khủng bố trắng, tổ chức đảng trong tỉnh bị tan rã gần hết, phong trào cách mạng lắng xuống. Nhưng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, các đồng chí lớp cộng sản đầu tiên của đất Quảng đã kiên cường đấu tranh trong các nhà lao đế quốc. Kẻ địch không những không khuất phục được, mà các đồng chí chiến sĩ trung kiên ấy lần lượt ra tù, bắt nối cơ sở, củng cố tổ chức đảng. Phong trào cách mạng trong tỉnh không những được hồi phục mà còn đẩy lên thành những cao trào mới có quy mô và hiệu quả hơn, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng cả nước.

Đầu năm 1945, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến có lợi cho tình hình cách mạng nước ta. Thời cơ cách mạng đã đến,  nhận được chỉ thị của Trung ương: Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, Tỉnh uỷ Quảng Nam đã nhanh chóng triển khai tổ chức lực lượng, cùng với cả nước chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 17 rạng ngày 18.8.1945, lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đã bạo động giành chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An. Trong ngày 18.8 ta đã giành toàn bộ chính quyền ở các phủ, huyện trong tỉnh. Cùng với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam là một trong bốn tỉnh tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sớm nhất cả nước.

Chỉ sau hơn một năm xây dựng chính quyền mới thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai lại bắt đầu trên đất Quảng. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Quảng Nam là chiến trường trọng yếu, là địa đầu, là lá chắn bảo vệ vùng tự do Khu V chạy suốt từ Nam sông Thu Bồn đến tỉnh Khánh Hoà; là cầu nối Liên khu V với Bình Trị Thiên; là căn cứ quan trọng của lực lượng cách mạng Lào và Đông bắc Cao Miên; đã góp phần cùng với quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Thực dân Pháp thua đau, phải rút quân về nước, nước ta được lập lại hòa bình. Nhưng với âm mưu xâm lược nước ta của đế quốc Mỹ đã có từ lâu, nhân cơ hội này, Mỹ hất cẳng Pháp, phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, trực tiếp xâm lược nước ta. Quảng Nam là địa bàn chịu sự đàn áp vô cùng dã man của bọn tay sai phản động. Chúng đàn áp, tàn sát người kháng chiến cũ và quần chúng cách mạng, trong đó có nhiều vụ tàn sát tập thể tại Sơn - Cẩm - Hà, Cây Cốc, Chiên Đàn, Chợ Được, Vĩnh Trinh khiến hàng vạn đảng viên và quần chúng cách mạng bị Mỹ - Diệm sát hại và cầm tù. Nhưng Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam không khuất phục trước kẻ thù, luôn kiên trung với Đảng, với dân tộc. Lòng đất Quảng Nam trở thành nơi nuôi giấu cán bộ, đảng viên; rừng núi Quảng Nam trở thành căn cứ địa không những của Quảng Nam mà còn là căn cứ địa kháng chiến của toàn Khu V. Qua 10 năm lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là từ khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng soi sáng, Đảng bộ đã từng bước lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, đưa đến cuộc đồng khởi vào cuối năm 1964 đầu năm 1965, làm chủ đại bộ phận nông thôn, đồng bằng của tỉnh, đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị ở các vùng đô thị; góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.

Bị thất bại nặng nề, quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng và Chu Lai, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ chống lại nhân dân ta. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Khu uỷ V, Tỉnh uỷ đã từng bước lãnh đạo các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh xác định tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chỉ gần 3 tháng, sau khi quân viễn chinh Mỹ đặt chân lên mảnh đất này, lực lượng vũ trang tỉnh đã tiêu diệt 1 đại đội Mỹ tại Núi Thành vào đêm 25 rạng sáng ngày 26.5.1965. Chiến thắng Núi Thành có ý nghĩa lịch sử rất lớn, khẳng định ta có thể diệt gọn đơn vị quân chủ lực Mỹ bằng lực lượng quân sự địa phương, xua tan tư tưởng sợ Mỹ để quyết tâm đánh Mỹ trên toàn miền Nam lúc bấy giờ. Việc xây dựng các “vành đai diệt Mỹ” ở Chu Lai, Hòa Vang và nhiều địa phương khác, với rất nhiều cách đánh sáng tạo, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, Quảng Nam vinh dự được tuyên dương danh hiệu “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, quân và dân Quảng Nam đã đồng loạt nổi dậy, tấn công vào tỉnh đường và các quận lỵ trên toàn tỉnh. Quân giải phóng đã làm chủ tỉnh đường Quảng Tín, thị xã Hội An và một số huyện lỵ khác. Sau đó địch phản kích vây hãm, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hi sinh. Mặc dầu bị bao vây giữa lòng địch, nhưng các đảng viên, chiến sĩ cách mạng quyết không hạ vũ khí đầu hàng, chiến đấu, hi sinh đến giọt máu cuối cùng, lấy máu đào tô thắm thêm ngọn cờ quang vinh của Đảng, tạo thế chiến lược sau này cho hàng loạt chiến thắng của quân và dân tỉnh nhà, đã góp phần làm thất bại Chiến lược chiến tranh cục bộ, Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc kẻ thù phải ký vào Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Sau khi ký Hiệp định Pa-ri chưa ráo mực, kẻ địch ngay lập tức phá hoại Hiệp định, tăng cường đánh phá, lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy V, Tỉnh uỷ đã chủ trương kiên quyết đánh trả địch, bảo vệ vùng giải phóng, buộc địch thi hành Hiệp định Pa-ri. Và Quảng Nam một lần nữa là địa phương làm nên những chiến thắng mang tính chiến lược vào năm 1974 như Chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước tạo điều kiện mở rộng thêm vùng giải phóng ở trung du và đồng bằng. Sau đó là Chiến thắng Thượng Đức mở toang “cánh cửa thép” của địch án ngữ phía Tây căn cứ quân sự khổng lồ Đà Nẵng.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, chiến thắng Tiên Phước diễn ra cùng thời với chiến thắng Buôn - Mê - Thuột vào ngày 10.3.1975 đã cổ vũ toàn Đảng bộ, quân và nhân dân giải phóng Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào ngày 24.3.1975, cắt đứt đường bộ phía sau lưng căn cứ quân sự Đà Nẵng, tạo điều kiện giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29.3.1975, góp phần quan trọng để Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm, Quảng Nam có hơn 65.000 liệt sĩ và nhiều người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã ngã xuống trên đất Quảng Nam, toàn tỉnh đến nay đã có hơn 11 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng chục ngàn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Đó là những bông hoa bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh sẽ mãi lưu tồn trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Được sự hỗ trợ của Trung ương Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã giành được những thành tựu quan trọng. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, xây dựng công trình đại thuỷ nông Phú Ninh... Cùng với tập trung lãnh đạo phục hồi, phát triển nông nghiệp, Tỉnh uỷ đã lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá tỉnh nhà, một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh như cơ khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt - may, hoá chất, khai thác, chế biến, nuôi trồng thuỷ, hải sản, các ngành xuất nhập khẩu, giao thông vận tải... hình thành và phát triển. Những chủ trương đó đã tạo nên bước nhảy vọt về tăng năng suất cây trồng, con vật nuôi, làm cho một tỉnh từ bao đời thiếu hụt lương thực trở thành một địa phương đủ lương thực. Một tỉnh, trong chiến tranh là các căn cứ liên hợp hải, lục, không quân của đế quốc Mỹ với hầu hết các ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh xâm lược tại chiến trường khu V và hậu cứ để chúng đánh phá ra miền Bắc; sau hoà bình lập lại đã nhanh chóng biến đổi, trở thành một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển ở miền Trung.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, vừa phát huy nội lực của địa phương, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các mặt công tác khác của Đảng bộ. Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương trong toàn quốc nhanh chóng thực hiện chuyển đổi quản lý kinh tế, trước hết trong nông nghiệp, đã thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, hình thành kinh tế hợp tác trên các lĩnh vực; đồng thời thực hiện các chủ trương phát triển các thành phần kinh tế để nhanh chóng phát triển lực lượng sản xuất; hình thành, phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, xuất - nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung của tỉnh, góp phần thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng... Nhờ đó mà cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong tỉnh, góp phần cùng cả nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.

Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Nam - Đà Nẵng đứng trước những thời cơ, vận hội mới để phát triển, đồng thời không ít những khó khăn, thách thức. Và năm 1997, với sự kiện lịch sử chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam.

Khi mới tái lập, Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp thuần tuý, là một trong những tỉnh nghèo. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1997 mới chỉ đạt 607,3 tỉ đồng, bằng 1/2 giá trị sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu trường học và bệnh viện. Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của bạn bè quốc tế, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đến nay, sau hơn 21 năm tái lập tỉnh, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tạo tiền đề vững chắc để Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Kết quả đạt được trong 43 năm qua là sự nỗ lực liên tục của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Quảng Nam. Là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ. Là sự thể hiện cụ thể bản lĩnh của Đảng bộ về lựa chọn hướng đi đúng; xác định những vấn đề đột phá và vận dụng linh hoạt cơ chế; dám nghĩ, dám làm để xây dựng và phát triển tỉnh nhà.

Tự hào và phấn khởi với sự trưởng thành của Đảng bộ tỉnh trong 88 năm qua, những thành tựu sau 43 năm giải phóng, nhất là 21 năm tái lập tỉnh đến nay, chúng ta càng tin tưởng vào tương lai phát triển của đất nước và quê hương. 


Tác giả: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Trà My

Nguồn tin: http://huyenuy.namtramy.quangnam.gov.vn

[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

  • Hội thi "Bé cùng trổ tài" trường MG Trà Nam

  • Nguyễn Văn Chương

  • Tập thể CBCC Phòng GD&ĐT

  • Hội diễn văn nghệ Ảnh: Trường Kim Đồng

  • Ảnh

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My

  • PGD Nam Trà My
    
















Ý kiến bạn đọc

Liên kết web

BẢN QUYỀN THUỘC PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NAM TRÀ MY - QUẢNG NAM
Địa chỉ: Thôn 1 Xã Trà Mai , huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam - Điện thoại: 0235.6271117 - Email: pgdntmy@gmail.com
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)